Những kiểu gia đình không bao giờ khiến con hạnh phúc
Gia đình là nơi chúng ta được sinh ra và cảm nhận tình yêu trong vòng tay yêu thương của người thân. Bất kỳ ai cũng đều khát khao một gia đình luôn luôn được ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình sẽ sẽ lựa chọn tiêu chí riêng để xây dựng gia đình hạnh phúc. Điều này hoàn toàn phụ thuộc bản thân mỗi chúng ta, những người làm cha, làm mẹ. Có người cho rằng gia đình sẽ hạnh phúc, đầm ấm khi có đầy đủ điều kiện vật chất. Có người lại chỉ mong các thành viên trong gia đình biết giúp đỡ, yêu thương nhau là đủ. Quan điểm khác nhau dẫn đến mỗi thành viên có tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, gắn bó khác nhau .
Mặc dù nhiều người đã cố gắng vụ đắp tình cảm gia đình nhưng tại sao con cái của họ ít cười nói vui vẻ. Đứa trẻ dường như quá khép kín, thu mình và ngại chia sẻ. Lý do có thể xuất phát từ những người thân trong gia đình. Nơi mà đứa trẻ không tìm thấy những cảm xúc tích cực. Dưới đây là những kiểu gia đình không thể nào có những đứa con hạnh phúc, vui vẻ mà zax sẽ chia sẻ.
Mục lục
Gia đình hay xảy ra tranh cãi
Khi bố mẹ cãi nhau, trẻ rơi vào cảm giác bất an. Trẻ cho rằng nơi trú ẩn an toàn nhất là vòng tay cha mẹ không còn tồn tại. Nếu những cuộc cãi vã, mâu thuẫn diễn ra thường xuyên, trẻ đi từ cảm xúc ban đầu là sợ hãi, muốn “van nài” bố mẹ thôi khẩu chiến, sau đó là đến chán nản, mặc kệ, không còn đánh giá cao ý nghĩa của gia đình.
Sống lâu dài trong một gia đình không thuận hòa, trẻ gia tăng thái độ hung hăng, sự phát triển tính cách, cảm xúc tự nhiên trở nên méo mó. Trong cuộc sống tương lai, trẻ thiếu tin tưởng vào người khác, tính khí thất thường, không trân trọng tình yêu, hôn nhân, vì bố mẹ chúng ngày xưa cũng như vậy.
Không để ý cảm nhận của trẻ
Cha mẹ muốn giúp con sửa lỗi, nhưng lại không cân nhắc đến suy nghĩ, thể diện của con. Dùng cách dạy con trước mặt người khác để làm tổn thương đến lòng tự tôn và cảm giác an toàn của con. Điều mà các bậc phụ huynh không biết chính là có rất nhiều trẻ không thể phân biệt rõ. Chúng cứ như vậy tin vào những lời mà cha mẹ nói về mình. Từ đó hình thành nên quan niệm của bản thân. Các con sẽ rơi vào cảm xúc tự nghi ngờ, phủ định bản thân và không thể thoát ra được. Trẻ sẽ nghĩ rằng mình giống như những gì mà cha mẹ nói, vô dụng, ngu ngốc, khờ khạo… Một khi trẻ nhận lấy những cái mác mà cha mẹ gán cho mình thì rất có khả năng sẽ phát triển theo hướng đó.
Không bao giờ nói lời ngọt ngào
Ngôn ngữ là công cụ tuyệt vời để truyền đạt cảm xúc, để bày tỏ tình yêu thương. Khi cha mẹ nói với con cái những lời tích cực, tâm trạng của con trẻ cũng thay đổi theo chiều hướng tương tự, và ngược lại, khi phụ huynh dành cho con những lời căng thẳng, nặng nề, tâm lý đứa trẻ cũng ảnh hưởng theo. Rất nhiều cặp cha mẹ vì áp lực thành tích. Vì mong muốn con tốt hơn… mà dành cho con những lời mỉa mai, so sánh mang tính khích bác, thiếu tính xây dựng. Đây vốn là “phương pháp giáo dục truyền thống”. Nó được định nghĩa là “phương thức giáo dục đả kích”.
Ví dụ: Khi con học kém hay làm việc gì đó không xong, cha mẹ nói: “Việc đơn giản cũng không làm nổi, vô dụng, ngu dốt như con lợn”. Khi con muốn bắt tay vào thử việc gì đó, cha mẹ nói: “Mày muốn làm việc đó ư, thôi quên đi, bố mẹ nghĩ mày chỉ háo hức vài phút là lại chán thôi”. Người lớn nghĩ rằng đây là một chiêu “khiêu khích”, khiến trẻ cố gắng làm tốt để chứng tỏ. Nhưng kỳ thực với con, đó là sự công kích gây tổn thương to lớn.
Gia đình luôn ép buộc con cái
Trong cuộc sống, chúng ta thấy không ít các bậc phụ huynh hết lòng, tận tụy lo cho con cái. Họ rất tỉ mỉ, muốn thay con sắp xếp tất cả mọi việc. Thậm chí còn suy nghĩ đến cả việc phải thi vào trường nào, học ngành gì. Họ giống như máy bay trực thăng đẩy con lên trên trời, bất cứ lúc nào cũng giám sát nhất cử nhất động của trẻ, kề bên chuẩn bị xử lý chướng ngại vật cho con, sợ các con lầm lỡ phải đi đường vòng.
Họ không biết rằng mình có thể làm thay con, nhưng không thể trưởng thành thay cho trẻ được. Họ càng muốn viết sẵn tương lai của con. Tuy nhiên trẻ sẽ càng không thể đạt được yêu cầu hoàn hảo của họ. Phải tin tưởng rằng khi buông tay con ra, chưa từng có đứa trẻ nào không thích ứng được. Chỉ có cha mẹ không làm được mà thôi.
Không tôn trọng địa vị của người mẹ
Trong một gia đình, nếu giá trị của người phụ nữ không được đề cao, người chồng không dành cho vợ sự tôn trọng, thì rất khó để có một tổ ấm hạnh phúc đúng nghĩa. Nếu quan hệ vợ chồng không hạnh phúc, không thể nào có quan hệ bố mẹ và con cái tốt. Đây luôn là một quy luật dễ hiểu của cuộc sống. Lý do, khi người mẹ, người vợ không được đề cao, tiếng nói không có giá trị trong gia đình. Vai trò giáo dục của người mẹ với con cái sẽ không còn ý nghĩa. Trẻ ngẫu nhiên coi thường mẹ, bỏ qua những lời dạy dỗ của mẹ, thậm chí cãi láo. Theo thời gian, đứa trẻ chẳng chịu nghe ai.
Nguồn: 1thegioi.vn