Bí quyết giúp tình cảm mẹ chồng, nàng dâu hòa hợp
Người ta vẫn hay nói mẹ chồng nàng dâu là mối quan hệ rất khó để dung hòa. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có rất nhiều gia đình quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu rất tốt và rất yêu thương nhau. Thậm chí có những bà mẹ chồng thương con dâu hơn cả con đẻ của mình. Đây không còn là chuyện hiếm gặp ở thời đại hiện nay. Vậy làm thế nào để mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trở nên hòa hợp. Đó là điều mà bất cứ nàng dâu nào cũng muốn biết, cũng chính là điều mà zax muốn chia sẻ ngay sau đây.
Rất nhiều chị em phụ nữ phải thừa nhận rằng mối lo lớn nhất của họ khi lập gia đình đó là phải chung sống với mẹ chồng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể hóa giải được nỗi lo mẹ chồng nàng dâu. Nếu bạn biết khéo léo và tinh anh trong cách ứng xử. Bởi chỉ một câu nói vô tình thôi, cũng khiến gia đình bạn bất hòa. Tôn trọng bố mẹ chồng sẽ khiến nàng dâu mới được yêu thương.
Mục lục
Sẵn sàng lắng nghe mẹ chồng dạy bảo
Mẹ chồng nào cũng hiểu được vị thế của mình trong gia đình. Dù con dâu có muốn hay không thì mặc định bà vẫn là người phụ nữ lớn tuổi nhất, quyền lực nhất và có thể dạy bảo con cái bất cứ lúc nào mà họ thấy con sai. Có thể, sự dạy dỗ, những góp ý sẽ làm con dâu khó chịu nhưng bản chất của hành động ấy mẹ chồng vẫn chỉ muốn được công nhận là bề trên, là thành viên trong gia đình và bà đang cố gắng giúp đỡ con cái tiến bộ hơn.
Có thể bạn không đồng ý với mẹ chồng nhiều chuyện nhưng tuyệt đối không được coi thường. Vì mẹ chồng nào cũng muốn được tôn trọng, lời nói của mình có sức ảnh hưởng đến con cái. Hãy chiều theo ý mẹ chồng một vài lần. Sau đó chờ đến khi mọi chuyện tạm lắng mà nhẹ nhàng tâm sự để bà hiểu hơn về mình. Một bí quyết nhỏ là nên dành thời gian nói chuyện với mẹ chồng, xin ý kiến mỗi khi quyết định việc hệ trọng sẽ khiến bà thêm yêu thương và ủng hộ mình hơn.
Không chỉ riêng mẹ chồng mà ngay cả bố mẹ đẻ của chúng ta cũng vậy. Với tư cách là người sinh thành, người được gọi cha, gọi mẹ, họ luôn muốn tư vấn, khuyên bảo chúng ta bằng những kinh nghiệm, vốn sống. Lời tư vấn ấy có thể hữu ích cũng có thể không hợp lý với thời đại thì con dâu cũng nên lắng nghe. Đó chính là một biện pháp để khoảng cách con dâu – mẹ chồng tiến gần hơn, để bà luôn có cảm giác được tôn trọng.
Chủ động trong cuộc nói chuyện
Con dâu thường không thể nói chuyện một cách cởi mở, vui vẻ với mẹ chồng như mẹ đẻ. Nhưng nếu biết cách, bạn hoàn toàn có thể chiếm thế chủ động trong mỗi câu chuyện.
Chắc hẳn, các bà mẹ chồng thường bắt đầu mỗi câu chuyện bằng: “Sao con lại thế này”, “Mẹ bảo bao lần rồi”, “Mẹ thấy con nên”… Nói chung sẽ rất hiếm hoi có những chuyện kiểu tâm tình thủ thỉ. Lúc ấy, đừng vội khó chịu với những lời chỉ trích. Hãy chuyển ngay trọng tâm chính trong câu chuyện từ mình sang mẹ chồng. Bằng những câu cảm thán: “Thế ạ!”, “Con cứ tưởng”, “Con không biết, mẹ bảo con với” là bạn đã có thể khiến mẹ chồng quên ngay những lỗi nhỏ nhặt của mình và bắt đầu “trổ tài” kiến thức uyên thâm để bảo ban con dâu. Thêm nữa, bạn còn được bà đánh giá cao về khả năng học hỏi và biết tôn trọng ý kiến mẹ chồng ấy chứ!
Lắng nghe và nói đúng thời điểm
Bị mẹ chồng quở trách là điều không thể tránh khỏi với các cô con dâu. Nếu bản chất, bà là người tốt, chỉ tính hay nói nhiều thì hãy “nhún”. Sự nín nhịn có thể khiến bạn bực bội tại thời điểm đó nhưng lại có lợi lớn về sau. Vì dù sao bà cũng là người sinh ra chồng mình. Nếu cứ mẹ chồng một câu con dâu cãi một câu thì sự việc càng trở nên căng thẳng và khó giải quyết. Hãy từ tốn và chờ thời điểm thích hợp khi cả hai cùng bình tĩnh hoặc thoái mái để cùng nhau trao đổi thẳng thắn. Chắc chắn kết quả sẽ tốt đẹp bởi mẹ chồng sẽ thấy vui. Từ đó dễ tìm thấy tiếng nói chung với con dâu hơn.
Nhưng nếu việc ấy mẹ chồng bạn cứ lặp đi lặp lại, đay nghiến hay chì chiết con dâu thì đã đến lúc phải lên tiếng. Nhưng là lên tiếng một cách thấu tình đạt lý và giữ thái độ lễ phép đúng phận làm con. Bởi chỉ cần bạn nín nhịn quá lâu, những ức chế sẽ bị dồn nén, không thể giải tỏa. Từ đó, làm cho hình ảnh về mẹ chồng càng trở nên xấu đi trong lòng bạn. Và đến khi đi quá giới hạn, bạn xả hết những uất ức theo một cách rất nguy hiểm thì “tan cửa nát nhà” là điều khó tránh khỏi.
Tâm sự với chồng
Chồng là người sống cùng chúng ta phần đời còn lại chứ không phải bố mẹ hay con cái. Vì vậy, nếu có những tâm sự thầm kín thì đừng ngần ngại chia sẻ với chồng. Hoặc khi có mâu thuẫn gì với mẹ chồng mà chưa thể giải quyết. Hãy khéo léo trình bày và tham khảo ý kiến chồng.
Thường, không con trai nào muốn nghe người khác kể xấu về mẹ mình. Nhưng những vấn đề mà bạn đang phải đối mặt cần phải cho chồng biết. Trước hết, hãy nhấn mạnh việc bạn vẫn yêu kính mẹ chồng. Nhưng gần đây bạn đang gặp phải những vấn đề này, không biết giãi bày cùng ai, dần dần dẫn dắt vào câu chuyện. Sau đó lắng nghe ý kiến của chồng, tìm ra hướng giải quyết hoặc nhờ chồng phân xử.
Giải quyết trực tiếp không kể xấu với người khác
Đây có lẽ là nguyên tắc cần ghi nhớ trước khi về làm dâu. Con người ai cũng có lúc mắc sai lầm nhưng cách xử lý cần phải tế nhị và khéo léo. Có thể mẹ chồng trong thời điểm đó sai nhưng không nên phản ứng quá thái khiến cho đôi bên thêm khó xử, tình cảm theo đó bị rạn nứt.
Dù mâu thuẫn mẹ chồng con dâu có to tát đến thế nào thì vẫn là chuyện trong nhà. Mà đã là chuyện trong nhà thì không thể đem ra đường để giải quyết. “Mẹ à, con biết chiều nay mẹ nói thế là vì muốn tốt cho con nhưng thực sự những lời mẹ nói con cảm thấy bị tổn thương”, bạn hoàn toàn có thể thẳng thắn với mẹ chồng như thế và chứng minh cho bà thấy thiện chí muốn xây dựng một tình cảm mẹ chồng con dâu tốt đẹp từ bạn.
Điều tối kị của con dâu là vì một phút dại dột mà kể xấu mẹ chồng với người khác. Điều đó không giải quyết được gì thậm chí còn khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Hãy bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo và khéo léo giải quyết các vấn đề. Cái nhìn thiện cảm của mẹ chồng dành cho bạn không thể trong ngày một ngày hai. Nhưng chỉ cần là người thương con yêu cháu thì chẳng bà mẹ chồng nào dồn đẩy con dâu vào chân tường đâu.
Nguồn: Afamily.vn